Bạn đã sẵn sàng để khám phá một số kĩ năng nghề nghiệp cần có trong ngành kế toán chưa? Hãy bắt đầu từ đây!
Nhận dạng các kĩ năng nên có để thành công trong kế toán không chỉ tăng sự hài lòng trong công việc, mà còn làm cho việc hướng tới mục tiêu nghề nghiệp dài hạn trở nên dễ dàng hơn.
Sau đây là 6 kĩ năng hàng đầu có thể giúp bạn trở thành một người kế toán viên xuất sắc. Chúng tôi đã bao gồm một số gợi ý để giúp bạn bắt đầu phát triển những kĩ năng này khi còn đi học, nhưng bạn cũng nên tìm kiếm và thử nghiệm với những cách khác!
1. LÀM VIỆC CÓ KẾ HOẠCH
Kế toán là những người quan trọng. Họ có nhiều nhiệm vụ phải thực hiện, vậy nên thường thường họ khá bận rộn.
Để trở thành một kế toán tốt, bạn phải có một hệ thống để theo dõi những nhiệm vụ đó – ví dụ như những danh mục đầu tư mà bạn quản lí, những nghiệp vụ bạn thực hiện và các ngày quan trọng hoặc deadline mà bạn phải theo kịp – để đảm bảo bạn thực hiện tất cả các trách nhiệm của bạn một cách tốt nhất.
Bạn có thể sử dụng các công cụ như lịch, hồ sơ có đánh thứ tự, kế hoạch hằng ngày, giấy ghi chú nhiều màu cùng bút hightlight, và các phần mềm, ứng dụng khác dùng để giúp bạn làm việc có tổ chức trong ngắn hạn và dài hạn.
Làm việc có kế hoạch là một cách tốt để thể hiện cho đồng nghiệp và quản lý của bạn thấy rằng bạn là một người đáng tin cậy, có kĩ năng và có thể hoàn thành công việc. Bắt đầu rèn luyện kĩ năng này ngay từ bây giờ nhé!
Gợi ý: Không biết phải bắt đầu từ đâu? Hãy thử tạo một kế hoạch học tập cho mỗi môn, dùng kế hoạch hằng ngày để biết những việc cần làm và dùng hệ thống hồ sơ để lưu trữ các ghi chú.
2. QUẢN LÝ THỜI GIAN
Kĩ năng quản lý thời gian tốt gắn liền với kĩ năng làm việc có kế hoạch.
Một hệ thống quản lý công việc chỉ thực sự hiệu quả nếu bạn biết phân bổ thời gian của bạn. Là một kế toán viên, bạn cần phải quản lý các ưu tiên công việc và vô vàn các vấn đề cá nhân mà vẫn có thể hoàn thành tất cả kịp thời.
Khả năng làm việc trong thời hạn và đánh giá lại mức độ ưu tiên trong danh sách những việc cần làm có thể giúp bạn làm việc tốt hơn. Điều đó không chỉ gây ấn tượng với sếp, đồng nghiệp và khách hàng của bạn mà còn giúp bạn giữ được cân bằng công việc/cuộc sống và làm việc có hiệu quả.
Gợi ý: Hãy tự đặt ra khối thời hạn để hoàn thành một công việc nhất định. Sắp có một bài kiểm tra? Hãy phân bổ bốn hoặc năm khối thời gian khoảng 2-3 tiếng để học, và lập danh sách các việc cần hoàn thành trong mỗi chương.
3. THÍCH ỨNG
Ngành kế toán rất năng động và thay đổi nhanh, vậy nên kế toán viên có khả năng thích nghi nhanh sẽ có lợi thế hơn.
Ngoài việc cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, những cá nhân có khả năng thích ứng cao thường học hỏi và phát triển trong sự nghiệp vì họ xem những thử thách mới là cơ hội để học và sử dụng những kĩ năng của họ.
Hãy chấp nhận thay đổi – học cách thích nghi với mọi thử thách mà công việc đòi hỏi ở bạn.
Ngoài ra, năng động cũng là một điều tốt. Mặc dù điều đó tốn thêm một chút công sức để tìm hiểu về những thay đổi ngay khi nó xảy ra, nhưng nó cũng xứng đáng, nó sẽ giúp bạn luôn dẫn đầu trong ngành, đạt được sự tôn trọng của đồng nghiệp, và đảm bảo mọi người sẽ tìm đến bạn khi cần lên kế hoạch cho tương lai.
Gợi ý: Lần kế tiếp một việc bất ngờ nào đó xảy ra, hãy tìm cơ hội trong tình huống đó. Ví dụ, nếu bạn phải làm việc với một người khó tính trong lớp, hãy tập trung vào điểm mạnh của nó và tận dụng tình huống đó.
4. GIAO TIẾP
Bất kể bạn làm việc ở đâu, công việc của bạn là gì hay bạn làm việc với ai, kĩ năng giao tiếp tốt là cực kỳ cần thiết. Khả năng giao tiếp tốt thông qua văn bản hoặc trực tiếp trò chuyện sẽ giúp bạn có được việc làm, làm việc nhóm với đồng nghiệp, tương tác với khách hàng và thăng tiến trong công việc.
Khả năng kết nối tốt cũng sẽ hữu dụng trong việc liên kết, trao đổi. Dù bạn phải tham dự sự kiện của công ty hay đơn giản là chào mừng đồng nghiệp mới, khả năng khẳng định bản thân khi gặp gỡ người mới để tạo lập mối quan hệ có lợi sẽ giúp bạn nhiều. Đừng bao giờ coi thường tầm quan trọng của việc tạo ấn tượng tốt.
Gợi ý: Chú ý tới cách cười, bắt tay và tướng đi. Sau đó tập giao tiếp rõ ràng và lịch sự với gia đình và bạn bè, và ghi nhớ một số các câu hỏi thường dùng trong lần đầu gặp gỡ.
5. TRUNG THỰC
Trung thực và chính trực là hai điều rất được coi trọng trong giới kế toán.
Các kế toán viên và công ty mà họ làm – tự hào rằng họ tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghiêm khắc nhất. Đó là lí do mà công chúng, các doanh nghiệp và chính phủ biết họ có thể tin tưởng rằng kế toán viên sẽ luôn bảo vệ lợi ích tốt nhất của họ.
Thẳng thắng khi đưa ra quyết định và lời khuyên có lợi ích giúp cải thiện các mối quan hệ trong công việc. Điều đó giúp làm việc nhóm dễ dàng hơn và giúp tạo một môi trường hợp tác tốt.
Gợi ý: Hãy hỏi bản thân những câu hổi sau: Lí do gì khiến tôi đưa ra quyết định này? Ai sẽ có lợi từ điều này? Ai sẽ chịu thiệt? Đâu là ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn của quyết định này? Hãy thành thật với bản thân về lí do bạn chọn một lựa chọn nhất định và xem xem bạn biết được gì.
6. KHẢ NĂNG LÃNH ĐẠO
Làm một người lãnh đạo giỏi có nghĩa là biết cách tư vấn và truyền đạt, làm cho bản thân trở nên gần gũi hơn với những người mà bạn có trách nhiệm với họ. Bạn phải cân bằng việc làm một hình mẫu với việc làm một người quản lý mà vẫn là một phần của nhóm. Một người lãnh đạo tốt cũng cần có sự tự tin, kiên nhẫn và khả năng phân quyền – những đặc tính không phải ai cũng dễ dàng có.
Trong kế toán, khả năng lãnh đạo còn bao gồm suy nghĩ chiến lược và lên kế hoạch dài hạn. Nhiều kế toán còn cung cấp dịch vụ tư vấn, tức là họ đưa ra lời khuyên và hướng giải quyết vất đền cho các doanh nghiệp để giúp cải thiện hiệu quả hoạt động, vậy nên kĩ năng nhìn xa là rất quan trọng.
Những người đứng đầu trong ngành kế toán thường được biết đến là những người nhìn xa trông rộng – những người đưa ra những quyết định hợp lý với một chút sự sáng tạo. Để thành công trong kế toán, bạn cần phải có khả năng cho khách hàng thấy được rằng bạn đang cố gắng cải thiện hiện tại và tương lai.
Gợi ý: Có nhiều cá nhân điển hình cho khả năng lãnh đạo trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Hãy tìm hiểu về một số nhà lãnh đạo nổi tiếng trong lịch sử và tìm hiểu xem điều gì khiến họ trở nên đặc biệt, hoặc trò chuyện trực tiếp với một người mà bạn nghĩ là lãnh đạo tốt. Nếu có thể, đăng ký làm một vị trí lãnh đạo trong trường hoặc trong cộng động của bạn để bạn có thể luyện tập những kĩ năng bạn đã đọc hay nghe nói tới.
Minh Hiếu dịch.
Nguồn: TalentEgg