Ngày 22/01/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2019/NĐ-CP về kiểm toán nội bộ (KTNB), đây là động lực mới để nâng cao chất lượng quản trị trong cộng đồng DN và các đơn vị công. Cùng với Luật Chứng khoán đang được sửa đổi và bộ nguyên tắc quản trị công ty sẽ được ban hành, Nghị định 05 là một bước tiến lớn về quản trị công ty, hướng tới mục tiêu đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư và tính minh bạch của thị trường, cũng như chuyển đổi mô hình quản trị công ty tiệm cận thông lệ quốc tế.
Nghị định 05 quy định cụ thể về công tác KTNB trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các DN, trong đó đáng chú ý có bao gồm các công ty niêm yết, các DN mà Nhà nước sở hữu trên 50% và hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con. Đây là một phạm vi rất rộng, bao trùm cả khu vực công và khu vực tư nhân.
KTNB là một bộ phận chức năng giám sát độc lập cao nhất trong một tổ chức, nhưng thực tế nhận thức trong nhiều cơ quan, DN về cách thức tổ chức và thực hiện chức năng này chưa rõ ràng. Theo quy định, các đối tượng thực hiện có 24 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để hoàn thành các bước chuẩn bị cần thiết cho chức năng KTNB. Đây không phải là một khoảng thời gian dài và các DN, tổ chức sẽ phải tăng tốc ngay từ bây giờ. Các DN, tổ chức sẽ cần giải quyết nhiều vấn đề để có thể đáp ứng được kỳ vọng về một chức năng KTNB hiệu quả theo thông lệ cũng như theo yêu cầu luật định.
Trước tiên, các DN, tổ chức cần nâng cao nhận thức về vai trò, chức năng của KTNB, cũng như cách thức tổ chức KTNB hiệu quả trong nội bộ đơn vị mình, đặc biệt từ lãnh đạo cấp cao như hội đồng quản trị và ban điều hành. Nghị định 05 đưa ra rất nhiều yêu cầu đối với công tác KTNB, trong đó, việc xây dựng và vận hành bộ phận KTNB một cách cụ thể sẽ là bài toán lớn đối với các đối tượng thực hiện Nghị định.
Thứ hai, về cơ cấu báo cáo, theo thông lệ quốc tế, KTNB báo cáo cho ủy ban kiểm toán – trực thuộc hội đồng quản trị. Tuy nhiên, nhiều DN ở Việt Nam đang áp dụng mô hình quản trị công ty có ban kiểm soát, một số DN mới chuyển đổi sang mô hình có ủy ban kiểm toán. Việc thành lập KTNB sẽ đi cùng với câu hỏi về kênh báo cáo trách nhiệm giải trình cũng như cơ chế để có kênh báo cáo, định hướng, hỗ trợ và giám sát KTNB đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ ba, về nhân lực KTNB, hiện tại, số lượng nhân sự trên thị trường có đủ năng lực, kinh nghiệm và bằng cấp chuyên môn về KTNB rất hạn chế, khó có thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của các đối tượng thực hiện Nghị định. Để phần nào giải quyết vướng mắc này, Nghị định 05 cho phép các DN, tổ chức thuê ngoài dịch vụ KTNB. Đồng thời, trước mắt các kiểm toán viên và kế toán viên hành nghề cũng có thể chuyển đổi sang vai trò KTNB thông qua đào tạo, nâng cao năng lực cần thiết một cách nhanh chóng.
Cuối cùng là thách thức về chuẩn mực. Hiện tại, chuẩn mực và thông lệ KTNB được áp dụng chưa được quy định rõ ràng. Trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần có những hướng dẫn cụ thể hơn để các đơn vị thực hiện có thể tuân thủ theo những chuẩn mực một cách nhất quán, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho chức năng KTNB trong các đơn vị được triển khai hoạt động một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, các cấp quản lý, các cơ quan quản lý và các nhà đầu tư cũng sẽ có được niềm tin vào kết quả, chất lượng của hoạt động KTNB.
KTNB có vai trò rà soát và đánh giá một cách độc lập đối với ba cấu phần quản trị là kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và quản trị công ty. Qua đó, loại hình kiểm toán này có thể hỗ trợ đắc lực, giúp đạt được những mục tiêu hoạt động của các đơn vị với hiệu quả cao nhất. Khi các DN, tổ chức hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn thì đương nhiên các nhà đầu tư, cổ đông, cơ quan quản lý, xã hội cũng sẽ được hưởng lợi.
THÙY LÊ (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019