Nhà quản lý giỏi trong các doanh nghiệp tư nhân dành khoảng 3,4% doanh thu cho các khoản chi không chính thức, trong khi tỷ lệ này đối với các nhà quản lý yếu kém là khoảng 3,9%.
Nhóm nghiên cứu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm nay đã có cách tiếp cận rất khác, khi tập trung vào các yếu tố bên trong của doanh nghiệp Việt Nam – những yếu tố mà chính doanh nghiệp có thể khắc phục, không phải phụ thuộc vào quyết định của các nhà hoạch định chính sách.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhà quản lý giỏi trong các doanh nghiệp tư nhân dành khoảng 3,4% doanh thu cho các khoản chi không chính thức, trong khi tỷ lệ này đối với các nhà quản lý yếu kém là khoảng 3,9%.
Hình mẫu phổ biến của các nhà quản lý giỏi
Các nhà quản lý giỏi nhất của doanh nghiệp tư nhân điển hình là có bằng cao học quản trị kinh doanh (MBA), tham gia xuất khẩu hoặc từng nắm giữ vị trí quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước và chủ yếu làm đối tác cho các doanh nghiệp FDI.
Ngược lại, những nhà quản lý kém nhất chỉ tốt nghiệp trung học, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh bằng hộ kinh doanh hoặc đi lên từ vị trí nhân viên trong các doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu kinh doanh ở thị trường nội địa và thường tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Những doanh nghiệp có nhà quản lý giỏi thường có mức tăng trưởng đầu tư và làm việc cao hơn. Ví dụ, nếu chất lượng quản lý của doanh nghiệp tăng 1 điểm, thì doanh nghiệp sẽ tăng trưởng về vốn ở mức 1,06 điểm phần trăm trung bình hằng năm. Nhà quản lý giỏi thường có xu hướng lạc quan hơn trong các kế hoạch mở rộng hoạt động, như thể hiện trong “nhiệt kế doanh nghiệp PCI”. Trong số các doanh nghiệp nội địa, 54% số doanh nghiệp có nhà quản lý giỏi có kế hoạch tăng quy mô hoạt động trong hai năm tới, so với chỉ 46% số doanh nghiệp có nhà quản lý yếu kém.
Nắm rõ chính sách để giảm chi phí “bất thành văn”
Những nhà quản lý giỏi và thành công nhất thường có xu hướng ít dính dáng tới chi trả chi phí không chính thức để đạt được thành công ở thị trường. Hoặc họ chi rất ít tiền cho “dịch vụ” này và cũng không cho rằng chi trả chi phí không chính thức là “luật bất thành văn” trong môi trường kinh doanh. Các nhà quản lý giỏi không cần lợi dụng quan tham để thành công và có xu hướng ít đánh giá cán bộ địa phương là những kẻ nhũng nhiễu.
Nhà quản lý giỏi có tác động làm giảm 3% khả năng chi trả chi phí không chính thức trong đăng ký doanh nghiệp, giảm 5,5% khả năng tặng quà trong quá trình thanh kiểm tra và giảm 1% khả năng chi trả khi tiếp cận đất đai hay giải quyết tranh chấp tại tòa án.
Hơn nữa, nhà quản lý giỏi cũng giúp cải thiện 1 điểm về chất lượng quản lý, làm giảm 0,05 điểm doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức, giảm 0,06 điểm nhận định về tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến, giảm 0,06 điểm doanh nghiệp cho rằng cần thiết phải “bồi dưỡng” cho cán bộ ngân hàng, tín dụng để vay được vốn, giảm 0,11 điểm trong việc doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức để bảo đảm trúng thầu các gói mua sắm công. Nhà quản lý giỏi có khả năng tận dụng tốt hơn những cải cách chất lượng điều hành.
Phát hiện về việc những nhà quản lý giỏi có xu hướng ít dính dáng tới chi trả chi phí không chính thức hơn và thường cảm nhận tích cực hơn về môi trường kinh doanh so với các nhà quản lý kém đã góp phần làm sáng tỏ một câu hỏi mà nhóm nghiên cứu PCI đau đáu nhiều năm qua.
Đó là tại sao những cải cách của các tỉnh, vốn có thể xác minh trên thực tế, lại thường không được các doanh nghiệp đánh giá cao. Một lý giải cho câu hỏi này là có thể những nhà quản lý giỏi luôn chủ động tìm kiếm thông tin về thay đổi chính sách và tận dụng những thay đổi đó trong kinh doanh.
Các nhà quản lý kém, ngược lại, thường không nhận thấy và đôi khi đổ lỗi cho chính quyền tỉnh về những khó khăn trong kinh doanh của doanh nghiệp mình.
Mặc dù những nhà quản lý giỏi có xu hướng rút ra hoặc cho rằng tham nhũng gây phương hại cho hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhưng trong năm 2017, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải chi trả 3 – 4% doanh thu cho các khoản chi không chính thức, trong khi doanh nghiệp FDI chi khoảng 1 – 2% doanh thu.
Ở đây, một ngụ ý chính sách rất rõ ràng là Việt Nam cần tổ chức đào tạo để nâng cao năng lực quản lý cho các lãnh đạo doanh nghiệp, như vậy sẽ giúp họ có nhiều cơ hội đến gần với thành công hơn và giảm thiểu khả năng khiến họ phải dựa vào chi trả chi phí không chính thức trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI (doanhnhansaigon.vn)