Liên quan đến chính sách thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, hiện nay các quy định pháp luật cả về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đều đang có những tồn tại, hạn chế dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước và một số bất cập khác. Trước thực trạng này, khi xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế tài nguyên (1 luật sửa 5 luật) để trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét ban hành, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp mới quan trọng.
Những tồn tại, hạn chế
Liên quan đến chính sách thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, theo đánh giá của Bộ Tài chính đang tồn tại những “hạn chế” dẫn đến thất thu thuế cho nhà nước.
Cụ thể, tại khoản 2, Điều 23 Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn nộp thuế theo mức thuế suất 20%, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo mức thuế suất 0,1%.
Điều 28 Luật này quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú nộp thuế với thuế suất 0,1% trên số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn.
Qua thực tế áp dụng quy định này cho thấy, đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của cá nhân, rất khó kiểm soát giá chuyển nhượng và chi phí liên quan. Đại đa số các trường hợp đều khai chênh lệch bằng 0 dẫn đến thất thu thuế, không công bằng với chuyển nhượng vốn dưới dạng chứng khoán…
Tương tự, quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cũng đang bộc lộ bất cập. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam quy định tại điểm c và điểm d khoản 2, Điều 2 của Luật Thuế TNDN thực hiện tính thuế theo phương pháp do Chính phủ quy định (tính theo tỷ lệ % trên doanh thu).
Tuy nhiên, Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế, chưa quy định tỷ lệ % thuế TNDN trên doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, nên hiện tại văn bản của Bộ Tài chính đang hướng dẫn thu thuế TNDN đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài theo thuế suất 20% trên thu nhập.
Trên thực tế, đa số các tổ chức nước ngoài khi chuyển nhượng vốn cho bên nước ngoài kê khai giá chuyển nhượng bằng giá vốn, trong khi đó Việt Nam lại chưa có cơ sở để kiểm chứng giá chuyển nhượng nên hiện mới chỉ thu được thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn trên phần chênh lệch tỷ giá hối đoái giữa thời điểm chuyển nhượng và thời điểm góp vốn.
Hướng đề xuất sửa đổi
Để khắc phục bất cập trên, đồng thời đảm bảo quy định pháp lý về thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ tính toán, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi các quy định ở cả Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Cụ thể, liên quan đến hướng sửa đổi quy định tại Luật Thuế TNDN, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ bổ sung quy định áp dụng tỷ lệ thu thuế đối với chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là 1% trên doanh thu.
Về hướng sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, để thống nhất với nội dung sửa đổi bổ sung tỷ lệ % thuế TNDN trên doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài 1% nêu trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi quy định sửa đổi mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân (cư trú và không cư trú) ở mức 1% trên giá chuyển nhượng.
Đồng thời, tại dự thảo Luật cũng rà soát, bỏ quy định kỳ tính thuế theo năm đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán tại Điều 7 Luật thuế thu nhập cá nhân để phù hợp với quy định thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo từng lần chuyển nhượng, không quyết toán lại theo năm theo quy định tại khoản 5, khoản 7 Điều 2 Luật số 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.
Theo kế hoạch, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên được Bộ Tài chính trình Chính phủ trong quý III/2017, trên cơ sở đó báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018.
Những ý kiến đa chiều
Liên quan đến cách đánh thuế hoạt động chuyển nhượng vốn, trên thế giới thông thường có hai phương pháp: đánh thuế trên lãi và đánh thuế trên giá trị chuyển nhượng vốn từng phần. Trên thực tế, do việc khó xác định và kiểm soát được giá chuyển nhượng và chi phí liên quan nên nhiều nước áp dụng cách đánh thuế trên giá trị chuyển nhượng vốn từng phần.
Do đó, việc Bộ Tài chính đề xuất cách đánh cả thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân trên giá trị chuyển nhượng vốn từng phần là phù hợp.
Về bản chất chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng vốn không khác nhau, bởi trên thực tế chuyển nhượng chứng khoán là một phần trong hoạt động chuyển nhượng vốn. Hiện chuyển nhượng vốn được hiểu là hoạt động chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH, công ty hợp danh, tổ chức kinh tế…
Còn chuyển nhượng chứng khoán là hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc hoạt động chuyển nhượng vốn bị đánh thuế 1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần, nhưng mức thuế đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần cần nghiên cứu hợp lý nhằm đảm bảo sự bình đẳng.
Do thuế đánh vào hoạt động chuyển nhượng vốn cao gấp 10 lần so với thuế đánh vào hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, nên có thể dẫn đến tình trạng lách luật. Đó là bên chuyển nhượng vốn sẽ tìm cách chuyển từ loại hình công ty TNHH thành công ty cổ phần để được hưởng mức thuế suất thấp hơn. Điều này có thể dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.
Nhìn nhận việc sửa đổi quy định về thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn là cần thiết và những đề xuất của Bộ Tài chính là có cơ sở, tuy nhiên Công ty Deloitte Việt Nam cho rằng, điều này có thể sẽ dẫn đến các vấn đề như: Việc áp dụng tỷ lệ thuế TNDN trên doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài có khả năng tạo ra sự không bình đẳng trong việc tính thuế chuyển nhượng vốn giữa doanh nghiệp Việt Nam và tổ chức nước ngoài đối với những giao dịch mà thực tế xác định được giá chuyển nhượng và giá vốn của phần vốn chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, cũng có thể dẫn đến các tình huống mà tổ chức nước ngoài có phát sinh hoạt động chuyển nhượng phần vốn trong các doanh nghiệp Việt Nam là do kết quả của việc tái cấu trúc hoạt động quản lý đầu tư của tổ chức nước ngoài, mà trên thực tế không xuất hiện hoạt động chuyển nhượng vốn có phát sinh thu nhập chịu thuế (tái cấu trúc và tổ chức lại hoạt động quản lý đầu tư).
Việc bổ sung quy định mức tỷ lệ thuế TNDN trên doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch chuyển nhượng vốn trong các doanh nghiệp bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng gián tiếp thay đổi chủ hữu vốn trong các doanh nghiệp Việt Nam (giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp).
Dẫn kinh nghiệm tính thuế chuyển nhượng vốn trên phần chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá vốn của phần vốn chuyển nhượng từ Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia…
Deloitte Việt Nam đề xuất, bên cạnh việc áp dụng các mức thuế đề xuất thì nên cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn thêm phương pháp áp dụng thuế suất 20% trên phần chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá vốn như hiện hành trong trường hợp doanh nghiệp có đủ cơ sở để xác định được giá chuyển nhượng của phần vốn chuyển nhượng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thu thuế dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Thuế trong việc thực thi thu loại thuế này. Mỗi thương vụ phát sinh, chắc chắn đều thu được thuế và cũng không mất thời gian và công sức phải xác minh về mức giá chuyển nhượng vốn liệu có hợp lý hay không.
Tỷ lệ 1% trên doanh thu thấp hơn nhiều so với mức 20% chênh lệch trên giá chuyển nhượng nhưng đảm bảo sẽ thu được, trong nhiều trường hợp sẽ hơn hẳn mức thuế 20% mà không thu được đồng thuế nào.
Nhìn chung, đề xuất trong dự thảo luật sửa đổi mới này sẽ giúp các cơ quan chức năng đỡ được gánh nặng kiểm định thu nhập của các doanh nghiệp trong thương vụ chuyển nhượng vốn, đồng thời giúp quá trình thu thuế thuận tiện, đơn giản và minh bạch hơn.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là việc ấn định cách thu như trên liệu có ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh nói chung hay cụ thể hơn là thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) nói riêng của Việt Nam hay không.
Theo thống kê của Diễn đàn M&A Việt Nam 2017, các thương vụ M&A có nhà đầu tư ngoại chiếm đến 77% tổng giá trị M&A tại thị trường trong nước. Lo ngại về việc chỉnh sửa thuế chuyển nhượng vốn lần này sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện M&A tại Việt Nam là có cơ sở.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc thay đổi cách tính thuế mới sẽ không ảnh hưởng đến các thương vụ M&A của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bởi lẽ thuế chuyển nhượng vốn không phải là yếu tố quan trọng nhất để nhà đầu tư nước ngoài xem xét có rót vốn vào Việt Nam hay không.
Điều mà nhà đầu tư quan tâm hơn cả khi thực hiện M&A là chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp và các cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong tương lai.
Bên cạnh đó, nên cân nhắc bổ sung trường hợp không áp dụng mức tỷ lệ thuế TNDN trên doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài có, hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp tổ chức nước ngoài và các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động chuyển nhượng phần vốn trong các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tái cấu trúc, hoặc tổ chức lại hoạt động quản lý đầu tư mà trên thực tế không xuất hiện hoạt động chuyển nhượng vốn có phát sinh thu nhập chịu thuế.
Đồng thời, cần làm rõ đối tượng và phương pháp tính thuế đối với các giao dịch chuyển nhượng vốn trong các doanh nghiệp bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng gián tiếp làm thay đổi chủ hữu vốn trong các doanh nghiệp Việt Nam (giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp).
Thực tế cho thấy, đa số các tổ chức nước ngoài khi chuyển nhượng vốn cho bên nước ngoài kê khai giá chuyển nhượng bằng giá vốn, trong khi đó Việt Nam chưa có cơ sở để kiểm chứng giá chuyển nhượng, nên hiện mới chỉ thu được thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn trên phần chênh lệch tỷ giá hối đoái giữa thời điểm chuyển nhượng và thời điểm góp vốn dẫn đến thất thu thuế.
Do đó, để đơn giản trong việc kiểm soát thu thuế, tránh thất thu ngân sách nhà nước, nên có quy định áp dụng tỷ lệ thu thuế đối với chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nước ngoài có hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là 1%.
Nguyễn Thị Phương Dung – Học viện Ngân hàng