Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ mang lại nhiều cơ hội lẫn thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để có đủ năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp phải có năng lực tài chính vững mạnh. Bài viết nêu ra một số rủi ro tác động đến năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, từ đó gợi ý giải pháp nhằm khắc phục tình trạng bất ổn, giúp doanh nghiệp ổn định an ninh tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Tổng quan về tài chính doanh nghiệp và an ninh tài chính doanh nghiệp
Tài chính doanh nghiệp
Về lý thuyết, tài chính doanh nghiệp (DN) là tổng hợp những mối quan hệ kinh tế được thể hiện dưới hình thức giá trị giữa DN với các chủ thể khác trong nền kinh tế gắn liền với quá trình tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ nhằm đạt được mục tiêu của DN.
Các quan hệ tài chính DN gồm: Quan hệ tài chính giữa DN và Nhà nước: Thể hiện khi DN nộp thuế và khi Nhà nước góp vốn cho DN; Quan hệ giữa DN và các chủ thể kinh tế khác: Quan hệ giữa DN với các tổ chức tín dụng gắn liền với hoạt động huy động vốn của DN và quan hệ giữa DN với các nhà cung cấp và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ; Quan hệ trong nội bộ DN: Quan hệ giữa chủ DN với cấp dưới…
Trong thực tiễn sản xuất kinh doanh, tài chính DN có vai trò rất lớn đối với sự cạnh tranh và phát triển của DN. Cụ thể:
– Vai trò huy động và đảm bảo cung cấp vốn kịp thời, đầy đủ với chi phí huy động hợp lý: Trong quá trình thực hiện sản xuất kinh doanh, các DN đều phát sinh nhu cầu vốn ngắn hạn và dài hạn. Do đó, tài chính DN có vai trò xác định lượng vốn thiếu hụt cần huy động và lựa chọn hình thức và phương pháp huy động đảm bảo cho DN được hoạt động liên tục, hiệu quả.
– Vai trò tổ chức sử dụng vốn sản xuất kinh doanh tiết kiệm và hiệu quả: Hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN phụ thuộc rất lớn vào việc tổ chức sử dụng vốn. Tài chính DN đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư trên cơ sở phân tích khả năng sinh lời và mức độ rủi ro của các dự án đầu tư, từ đó góp phần lựa chọn dự án đầu tư tối ưu. Việc huy động kịp thời các nguồn vốn có ý nghĩa rất quan trọng để DN có thể nắm bắt được các cơ hội kinh doanh. Việc hình thành và sử dụng tốt các quỹ DN, cùng với việc sử dụng các hình thức thưởng, phạt vật chất một cách hợp lý sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy người lao động gắn bó với DN, từ đó nâng cao năng suất lao động, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN.
– Vai trò giám sát, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của DN: Thông qua tình hình thu, chi tiền tệ, tình hình tài chính và thực hiện các chỉ tiêu tài chính, lãnh đạo và các nhà quản lý DN có thể đánh giá tổng hợp và kiểm soát được các mặt hoạt động của DN; phát hiện kịp thời những tồn tại hay khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, từ đó có thể đưa ra các quyết định để điều chỉnh các hoạt động phù hợp với diễn biến thực tế kinh doanh.
An ninh tài chính doanh nghiệp
An ninh tài chính doanh nghiệp chỉ một trạng thái ổn định về tình hình tài chính trong giới hạn an toàn theo các chỉ tiêu và phương pháp đánh giá nhất định. Trong đó, khái niệm ổn định được hiểu là các hoạt động liên quan đến tiền và tương đương tiền phải diễn ra bình thường, không biến động đột ngột, gồm tiền và tương đương tiền, hàng tồn kho, đầu tư tài chính, các khoản phải thu người mua hàng…
Theo các chuyên gia kinh tế, an ninh tài chính DN chỉ một trạng thái ổn định về tình hình tài chính DN trong giới hạn an toàn theo các chỉ tiêu và phương pháp đánh giá nhất định. Trong đó, khái niệm ổn định được hiểu là các hoạt động liên quan đến tiền và tương đương tiền phải diễn ra bình thường, không biến động đột ngột, gồm tiền và tương đương tiền, hàng tồn kho, đầu tư tài chính, các khoản phải thu người mua hàng… Khái niệm an toàn là mọi hoạt động liên quan đến tài sản và nguồn vốn không bị rủi ro, mất mát khi DN gặp phải rủi ro trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh.
Như vậy, về bản chất, an ninh tài chính DN là mức độ an toàn hợp lý được chấp nhận trong hoạt động tài chính của DN thông qua các chỉ tiêu tài chính như các hệ số đánh giá khả năng thanh toán, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tài sản, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu…
Nhận diện các rủi ro tài chính của doanh nghiệp Việt Nam
Với khái niệm về an ninh tài chính DN trên thì trong quá trình hoạt động kinh doanh, DN có thể phải đối mặt với rất nhiều rủi ro và những rủi ro này đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến an ninh tài chính của các DN. Qua thực tế, các DN Việt Nam có thể đối mặt với các loại rủi ro sau:
– Rủi ro pháp lý: Xảy ra khi DN nâng khống giá trị tài sản để vay vốn, che giấu lợi nhuận khi khai thuế, che giấu thông tin, báo cáo tài chính không trung thực…
– Rủi ro tín dụng: DN chậm trả nợ đến hạn nên bị các tổ chức tín dụng không cho vay mới hoặc cho vay với điều kiện ngặt nghèo hơn.
– Rủi ro thanh khoản: Do năng lực quản lý dòng tiền yếu kém nên xảy ra thiếu hụt tiền mặt để thanh toán nợ đến hạn hoặc tài trợ cho các hoạt động quan trọng và khẩn cấp…
– Rủi ro nợ xấu: DN bị khách hàng chây ỳ, lừa đảo, chiếm dụng vốn…
– Rủi ro mua hàng: DN ứng trước tiền nhưng nhà cung cấp không giao hàng, hoặc giao hàng sai chất lượng, số lượng…).
– Rủi ro thất thoát: DN bị nhân viên gian lận, tham ô, làm thất thoát tài sản…
– Rủi ro đầu tư và quản lý đầu tư: Đầu tư kém hiệu quả, gây thua lỗ; quản lý đầu tư kém, gây thất thoát…
– Rủi ro hợp đồng: Khi ký kết hợp đồng kinh tế, các điều khoản trong hợp đồng thiếu chặt chẽ gây bất lợi về mặt nghiệm thu, thanh toán hay thu tiền,…thậm chí hợp đồng bị vô hiệu hóa.
– Rủi ro giao dịch: Có nhầm lẫn, sai sót trong giao dịch tài chính, gây thiệt hại cho DN…
– Rủi ro lãi suất: DN vay tiền với lãi suất thả nổi, khi lãi suất tăng cao bất thường, công ty thiệt hại nhiều vì chi phí lãi vay tăng cao.
– Rủi ro tỷ giá: Đối với DN xuất nhập khẩu, biến động tỷ giá của ngoại tệ so với nội tệ cũng gây thiệt hại cho nhiều DN vay ngoại tệ hoặc mua hàng theo giá ngoại tệ.
– Rủi ro kiểm toán: DN bị xuất toán chi phí, công bố thông tin bất lợi…
– Rủi ro giá cổ phiếu: Cổ phiếu của DN có thể bị đẩy giá, đè giá bất thường, gây nguy cơ bị thâu tóm…
– Rủi ro hoạch định tài chính: DN hoạch định dòng tiền không chính xác, gây thiệt hại về sau.
– Rủi ro báo cáo quản trị: Báo cáo số liệu sai dẫn đến ra quyết định sai.
– Rủi ro chiến lược: DN lựa chọn chiến lược đầu tư sai, gây hậu quả lớn.
Các nhân tố ảnh hưởng đến an ninh tài chính doanh nghiệp
Các nhân tố bên trong
Về cơ bản, các nhân tố bên trong DN ảnh hưởng đến an ninh tài chính DN gồm: Năng lực quản lý của người lãnh đạo DN; Trình độ kỹ thuật và công nghệ sản xuất của DN; Kết cấu chi phí và việc sử dụng đòn bẩy kinh doanh của DN.
Các nhân tố bên ngoài
Các nhân tố bên ngoài ảnh hướng đến an ninh tài chính DN gồm: Chính sách, pháp luật của Nhà nước; Sự biến động của thị trường trong nước và quốc tế; Sự hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới; Thị trường tài chính và hệ thống các trung gian tài chính.
Song song với quá trình hội nhập luôn là thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các DN. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế như: Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới…; đồng thời, mở rộng quan hệ ngoại giao và quan hệ kinh tế với rất nhiều quốc gia trên thế giới. Quá trình hội nhập này chắc chắn có tác động đến nhóm nhân tố bên ngoài (thị trường, chính sách nhà nước…), từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn về tài chính DN, bởi lẽ DN sẽ dễ gặp rủi ro kinh doanh và rủi ro tài chính hơn. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh tài chính DN là một đòi hỏi khách quan đối với DN trong quá trình hội nhập.
Kinh nghiệm chống khủng hoảng doanh nghiệp
Thực tế thời gian qua, đã xảy ra không ít trường hợp phá sản, khủng hoảng ở các tập đoàn, công ty trên thế giới, có thể kể đến như: Tập đoàn năng lượng Enron của Mỹ đã phá sản vào tháng 12/2001; Tập đoàn Worldcom của Mỹ phá sản vào tháng 7/2002; Tập đoàn Viễn thông của Mỹ Global Crossing phá sản vào tháng 1/2002… Các vụ phá sản này đã gây ra thiệt hại hàng trăm tỷ USD, làm cho những bên liên quan khốn đốn.
Tình trạng phá sản, khủng hoảng của một số tập đoàn, công ty trên thế giới có thể gợi mở nhiều bài học cho cộng đồng DN Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh tài chính DN. Trong đó, cần chú trọng một số vấn đề sau:
– Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh là nhân tố hàng đầu quyết định sự ổn định và an toàn của tài chính DN.
– Các khoản nợ quá lớn có thể khiến DN mất khả năng chi trả, từ đó dẫn đến sự phá sản và khủng hoảng tài chính của các tập đoàn.
– Năng lực lãnh đạo yếu kém là một trong các nguyên nhân gây ra sự phá sản và khủng hoảng năng lực tài chính ở các tập đoàn thế giới nói chung và ở DN Việt Nam nói riêng.
– Những gian lận trong báo cáo tài chính và không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của DN nếu bị phát hiện, sẽ góp phần đẩy nhanh sự mất ổn định tài chính ở các tập đoàn.
– Kiểm toán cũng là một trong những yếu tố tác động đến sự an toàn và ổn định tài chính DN.
Như vậy, hoạt động đảm bảo an ninh tài chính DN Việt Nam cần chú trọng nội dung sau: Tính đến các yếu tố thay đổi khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và thế giới; Xây dựng trên nền tảng phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN; Chú trọng đến việc đảm bảo khả năng thanh toán của DN; Tăng cường xây dựng biện pháp phòng ngừa rủi ro và giám sát tài chính của các DN.
Đề xuất giải pháp
Nhằm góp phần đảm bảo an ninh tài chính DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, tác giả đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới như sau:
Đối với nhóm giải pháp vĩ mô:
Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về an ninh tài chính DN cho các DN; Tăng cường hệ thống giám sát tài chính DN; Tăng cường quản lý rủi ro thông qua cơ chế trích lập quỹ dự phòng; Nâng cao năng lực tài chính và lành mạnh hóa tài chính DN; Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN..
Đối với nhóm giải pháp vi mô:
– Nâng cao nhận thức về an ninh tài chính DN và đảm bảo an ninh tài chính DN cho lãnh đạo và nhân viên trong DN, định kỳ tổ chức các buổi thảo luận về an ninh tài chính DN.
– Xây dựng chương trình quản lý an ninh tài chính DN: Chương trình cần đảm bảo 4 nội dung là Mục tiêu của chương trình, nhận dạng và định lượng độ nhạy cảm, xác định triết lý quản lý an ninh tài chính và đánh giá, kiểm soát.
– Xây dựng đội ngũ chuyên môn phụ trách quản lý an ninh tài chính DN: Tùy theo đặc điểm của DN, có thể xây dựng bộ phận này độc lập hoặc kết hợp với bộ phận kiểm soát nội bộ của DN.
– Thực hiện các biện pháp phòng, ngừa thiệt hại tài chính khi rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động kinh doanh: Mua bảo hiểm, trích lập quỹ dự phòng, sử dụng các công cụ phái sinh…
Theo ThS. Nguyễn Thị Ngọc Loan – Trường Đại học Tài chính – Marketing (Tapchitaichinh)