Theo Viện Kiểm toán nội bộ (IIA), kiểm toán nội bộ là “một chức năng tư vấn và chức năng đưa ra các đảm bảo độc lập và khách quan, được thiết kế nhằm nâng cao giá trị cũng như nhằm hoàn thiện các hoạt động của một doanh nghiệp.”
Kiểm toán nội bộ giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu của mình bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận có nguyên tắc và mang tính hệ thống nhằm đánh giá và nâng cao hiệu quả của các quy trình quản lý rủi ro, các quy trình kiểm soát và các quy trình quản trị.
Nhiệm vụ của Kiểm toán Nội bộ
Thông thường, chức năng kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp thực hiện những nhiệm vụ sau:
- Xây dựng và cập nhật quy chế, quy trình nghiệp vụ kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp để trình lên Hội đồng quản trị phê duyệt.
- Lập kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm trình Hội đồng quản trị phê duyệt.
- Thực hiện các cuộc kiểm toán nội bộ và tư vấn kiểm toán nội bộ theo kế hoạch đã được phê duyệt.
- Báo cáo kết quả kiểm toán nội bộ và kiến nghị các biện pháp sửa chữa, khắc phục sai sót và đề xuất biện pháp hoàn thiện cũng như nâng cao hiệu lực và hiệu quả của quy trình quản trị, quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ.
- Thực hiện giám sát triển khai kết quả thực hiện khuyến nghị kiểm toán.
- Thường xuyên phát triển, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện phương pháp kiểm toán nội bộ và phạm vi hoạt động của kiểm toán nội bộ để có thể cập nhật và theo kịp sự phát triển của doanh nghiệp.
- Tư vấn cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn và kiểm soát dịch vụ kiểm toán độc lập đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
- Duy trì việc trao đổi thường xuyên với tổ chức kiểm toán độc lập của doanh nghiệp nhằm đảo bảo hợp tác có hiệu quả.
Trưởng kiểm toán nội bộ có thể được yêu cầu tham gia vào những công việc mà thông thường do ban quản lý/điều hành đảm nhiệm như trong những trường hợp sau:
- Các quy trình của doanh nghiệp chưa được hoàn thiện và trưởng kiểm toán nội bộ là người có năng lực chuyên môn phù hợp nhất để giới thiệu các nguyên tắc quản lý rủi ro trong doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp quá nhỏ và nguồn lực hạn chế để có thể duy trì một bộ phận tuân thủ.
- Doanh nghiệp tham gia vào thị trường hoặc sản phẩm mới đòi hỏi phải điều chỉnh, bổ sung các hoạt động quản lý rủi ro.
- Sự ra đờI của các quy định pháp lý mớI đặt ra vấn đề sửa đổi, bổ sung quy trình và chính sách trong hoạt động quản lý rủi ro để đảm bảo tuân thủ với những quy định này.
Khi được yêu cầu tham gia vào các công việc khác ngoài hoạt động kiểm toán nội bộ, Trưởng kiểm toán nội bộ cần thảo luận và thống nhất với các bên liên quan về những nội dung sau:
- Vai trò và trách nhiệm của Trưởng kiểm toán nội bộ được yêu cầu tham gia.
- Các rủi ro liên quan đến việc tham gia của Trưởng kiểm toán nội bộ.
- Các biện pháp giám sát đối với tính độc lập và khách quan của Trưởng kiểm toán nội bộ.
- Các biện pháp kiểm soát áp dụng để đảm bảo việc giám sát trên được vận hành một cách hiệu quả.
- Kế hoạch bàn giao, trong trường hợp Trưởng kiểm toán nội bộ chỉ tham gia tạm thời.
- Thỏa thuận cụ thể về việc tham gia công việc ngoài hoạt động kiểm toán nội bộ của Trưởng kiểm toán nội bộ với Hội đồng quản trị và nhân sự cao cấp của doanh nghiệp.
Trách nhiệm của Kiểm toán Nội bộ
Chức năng kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp có những trách nhiệm sau:
- Bảo mật thông tin theo quy chế của doanh nghiệp và theo pháp luật hiện hành.
- Chịu trách nhiệm về kết quả công tác kiểm toán nội bộ.
- Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra kết quả thực hiện các khuyến nghị của kiểm toán nội bộ.
- Tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức nhằm đảo bảo năng lực chuyên môn cho kiểm toán viên nội bộ.