Trên thế giới kiểm toán nội bộ đã có mặt từ rất lâu trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tại các nước phương Tây, sau các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nhà quản lý kinh tế trên thế giới đã đánh giá lại các mô hình và thấy được vai trò của quản trị rủi ro cũng như vai trò của kiểm toán nội bộ đã trở nên ngày càng quan trọng. Các công ty đã chủ động hơn trong việc xác định rủi ro, nhất là những rủi ro trọng yếu có thể tác động xấu đến hệ thống kinh doanh của họ. Đồng thời họ cũng xây dựng những phương pháp, chương trình, cách thức tiếp cận kiểm toán có hiệu quả hơn. Tại Mỹ, đất nước có thị trường chứng khoán rất phát triển thì Kiểm toán nội bộ là bộ phận bắt buộc phải có và luật Sarbenes – Oxley ra đời năm 2002 cũng quy định rõ tất cả các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán phải báo cáo về hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ công ty.
Tuy nhiên tại Việt Nam, vai trò của kiểm toán nội bộ khá mờ nhạt, điều này một phần nguyên nhân đến từ hệ thống quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đồng bộ. Lĩnh vực kiểm toán nội bộ vẫn chưa thực sự thu hút được nguồn nhân lực có chuyên môn cao, đi kèm với đó là nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu, nội dung kiểm toán cụ thể là các chương trình kiểm toán mẫu áp dụng cho loại hình Kiểm toán nội bộ chưa được ban hành, do vậy để kiểm toán các công ty đang phải tự xây dựng, do vậy rất khó đánh giá kiểm soát được chất lượng.
Chức năng của kiểm toán nội bộ là làm gì?
Các quan điểm trước đây cho rằng kiểm toán nội bộ chịu trách nhiệm trong việc kiểm toán báo cáo tài chính và tập trung vào công tác kiểm tra kế toán, thông tin tài chính của công ty. Tuy nhiên quan điểm của kiểm toán nội bộ hiện đại đã được mở rộng không còn giới hạn ở công tác kiểm tra báo cáo tài chính mà thêm vào đó là công tác kiểm toán tính hiệu quả, tính tuân thủ của mọi hoạt động cũng như tư vấn cho nhà quản lý hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ.
Có thể thấy, kiểm toán nội bộ đóng vai trò là người bảo vệ giá trị cho doanh nghiệp. Kiểm toán nội bộ là một quan sát viên độc lập, nhằm đảm bảo hoạt động của công ty tuân thủ các quy định pháp luật quốc gia, đạo đức kinh doanh và quy chế hoạt động của công ty. Kiểm toán nội chịu trách nhiệm phát hiện ra những sai sót trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, giữ vai trò là người tư vấn và định hướng cho ban giám đốc và hội đồng quản trị về kiểm soát rủi ro.
Chức năng tiếp theo của kiểm toán nội bộ là giúp chủ doanh nghiệp cải tiến những điểm yếu từ hệ thống quản lý và quản trị doanh nghiệp. Bằng cách phân tích, kiểm tra, giám sát quy trình hoạt động của các phòng ban trong bộ máy kinh doanh, kiểm toán nội bộ sẽ đưa ra những lời tư vấn giúp công ty hoạt động năng suất và hiệu quả hơn. Thực tế trên thế giới, các công ty có bộ phận kiểm toán nội bộ hoạt động hiệu quả thì khả năng gian lận thấp và hiệu quả kinh doanh cao hơn.
Cho nên có thể ví von rằng Kiểm toán nội bộ được ví như ngọn hải đăng soi đường cho con thuyền doanh nghiệp đi đúng hướng giữa những cơn bão biển thị trường kinh doanh.
Sự cần thiết phải xây dựng Hệ thống Kiểm soát nội bộ (KSNB) trong mỗi doanh nghiệp
Sự cần thiết phải xây dựng hệ thống KSNB là vô cùng bức bách và tối quan trọng cho mọi tổ chức. Tuy nhiên, hệ thống KSNB bao gồm những thành phần gì, phương pháp xây dựng ra sao, phương pháp nào để đánh giá tính khả thi của hệ thống KSNB, phương pháp nào để cải tiến hệ thống KSNB,v.v… vẫn còn là thắc mắc của rất nhiều tổ chức.
Một số tổ chức mơ hồ về hệ thống kiểm soát nội bộ, nhầm lẫn về mặt chức năng giữa KSNB và kiểm toán nội bộ. Một số khác mơ hồ về phương pháp tiến hành xây dựng hệ thống KSNB, không hiểu rõ sự tương quan của hệ thống KSNB và hệ thống phòng ban chức năng và quy trình hoạt động của tổ chức., v.v.
Tất cả các vấn đề trên cần phải được giải quyết thông qua việc hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về hệ thống KSNB, các thành phần, phương pháp xây dựng, phương pháp đánh giá và cải tiến,… một cách bài bản và hệ thống.
Làm thế nào để trở thành kiểm toán viên nội bộ chuyên nghiệp?
Kiểm toán nội bộ đang trở thành xu thế và lựa chọn của nhiều người. Đây là nghề đang được rất nhiều tập đoàn lớn tuyển dụng săn đón kèm với chế độ đãi ngộ cao. Tuy nhiên để thành đạt với nghề nghiệp này, những kiến thức được học trong trường Đại học dường như là không đủ. Theo kinh nghiệm của những người làm nghề kiểm toán nội bộ thành đạt, để thành công với nghề này, người làm kiểm toán nội bộ cần hội tụ rất nhiều tố chất như tính độc lập, vững vàng kiên định, thận trọng, có tính trách nhiệm cao. Có khả năng quan sát, đưa ra lập luận chặt chẽ, đưa ra những luận cứ rõ ràng thuyết phục. Có óc quan sát và tư duy logic cao. Ngoài ra người làm kiểm toán nội bộ còn phải giỏi tính toán, yêu thích làm việc với các con số và kiểm tra đối chiếu các số liệu.
Học viên Nghiên cứu và Đào tạo APT
Địa chỉ: Số 9 Trương Quyền, Phường 6, Quận 3, TP HCM
Điện thoại: (028) 225 335 78
Hotline: 0965 855 969
Website: www.apt.edu.vn