Kiểm soát nội bộ (KSNB) là công cụ hữu ích giúp các cơ quan, đơn vị ngăn ngừa được hành vi gian lận, qua đó sử dụng hiệu quả, minh bạch ngân sách, tài sản nhà nước.
Tại Việt Nam, trong quá trình đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), cần thiết phải xây dựng hệ thống KSNB cho các đơn vị sự nghiệp.
Kiểm soát nội bộ giúp ngăn ngừa gian lận
Đổi mới đơn vị SNCL là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài của nước ta. Trên thực tế, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về đổi mới đơn vị sự nghiệp như Nghị định 43/2006/NĐ-CP, Nghị định 16/2015/NĐ-CP và mới đây nhất là Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng nhìn chung các đơn vị sự nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém, chưa phát huy hết vai trò, vị thế và tiềm năng cho kinh tế – xã hội. Nhiều nguyên nhân đã được Ban Chấp hành trung ương Đảng chỉ ra, trong đó có nguyên nhân đáng chú ý là chất lượng quản trị nội bộ của đơn vị SNCL còn yếu kém.
Theo phản ánh của báo chí, trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc sai phạm về quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp mà nguyên nhân là do quản trị nội bộ yếu kém. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã công bố một loạt sai phạm trong việc mua sắm thiết bị y tế tại các địa phương, các bệnh viện trung ương như cùng một vật tư, hoá chất nhưng mỗi nơi một giá, hàng loạt thiết bị đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng. Thực tế đó đòi hỏi phải áp dụng hệ thống kiểm soát nội bộ tại các đơn vị SNCL.
Trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện tại các đơn vị khu vực công cho thấy hệ thống KSNB có mối quan hệ chặt chẽ và tích cực đối với phát hiện và ngăn ngừa các gian lận, nâng cao tính tin cậy của các thông tin phục vụ cho quản lý, nâng cao kết quả hoạt động, là công cụ tốt cho thực hiện đạt được các mục tiêu của tổ chức. Tại Việt Nam, Nhà nước mới có quy định về chủ trương, cơ chế khung, chưa có quy định cụ thể về tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính, đơn vị SNCL làm công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ về quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước (TSNN). Tuy nhiên, một số cơ quan đã nhận thức tích cực về công tác này và đã kịp thời thành lập bộ máy chuyên trách làm công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ về quản lý, sử dụng ngân sách, TSNN thuộc phạm vi quản lý như Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Bộ Tài chính. Các bộ, ngành này đã đảm bảo hướng dẫn, tổ chức thực hiện thống nhất về công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ đối với các cơ quan hành chính, đơn vị SNCL trực thuộc trên các mặt quy trình nghiệp vụ, phương án xử lý, tổng hợp báo cáo. Qua đó, trong nội bộ các bộ, ngành đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan; đồng thời, có tác động đến công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước thông qua các kiến nghị điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách chưa phù hợp.
Cần phát triển và hoàn thiện hệ thống KSNB
Bàn về vấn đề này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, Giảng viên cấp cao, Học viện Tài chính cho biết, trong quá trình đổi mới hệ thống cung ứng dịch vụ SNCL, hoàn thiện công tác quản trị đơn vị SNCL, rất cần thiết phát triển và hoàn thiện KSNB. Đó là việc thiết lập và tổ chức thực hiện trong bộ phận kế toán đơn vị các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định KSNB phù hợp với quy định của pháp luật nhằm bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Thông qua đó để thực hiện các yêu cầu: đó là tài sản của đơn vị được đảm bảo an toàn, tránh sử dụng sai mục đích, không hiệu quả; các nghiệp vụ được phê duyệt đúng thẩm quyền và được ghi chép đầy đủ làm cơ sở cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính trung thực, hợp lý.
Để làm được điều này, theo ông Thịnh, các cơ quan quản lý cần xem xét việc quy định về thực hiện KSNB hoặc có hướng dẫn thực hiện về KSNB một cách cụ thể hơn để các đơn vị áp dụng. Sau đó, sẽ ban hành các văn bản về KSNB cho các đơn vị SNCL trong từng lĩnh vực. Trên cơ sở đó, theo xu hướng chung của thế giới, cần thiết phải nghiên cứu, xem xét các điều kiện và lộ trình phù hợp để áp dụng các chuẩn mực về KSNB cho đơn vị công, do Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán Tối cao ban hành.
Theo TBTCVN.