Trong các thông tin tài chính, thông tin về doanh thu đặc biệt được quan tâm bởi doanh thu là một trong những điểm trọng yếu trên báo cáo kết quả kinh doanh. Đây là cơ sở để tiến hành xác định lãi, lỗ trong kỳ của doanh nghiệp, nó cũng là nhân tố quan trọng trong việc xác định các nghĩa vụ phải thực hiện đối với nhà nước. Vì vậy kiểm toán doanh thu là một trong những phần hành chủ yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính.
1. Trước khi tiến hành các thủ tục kiểm toán, chúng ta cần thu thập những tài liệu sau:
- Đơn đặt hàng của khách hàng, hợp đồng đã kí kết về bán hàng và cung cấp dịch vụ. Đây là những yêu cầu của khách hàng hoặc những thỏa thuận giữa doanh nghiệp và khách hàng về loại hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp có khả năng cung cấp cho khách hàng, các văn bản này đồng thời cũng là cơ sở pháp lý ràng buộc cả hai bên.
- Chứng từ tiêu thụ: Là loại chứng từ độc lập vào lúc giao hàng, chỉ số mẫu mã của hàng hóa, số lượng giao và các số liệu khác, được dùng như một cách tính tiền của người mua.
- Phiếu tiêu thụ: Là loại chứng từ dùng để ghi sổ mẫu mã, số lượng và các thông tin liên quan đến khách hàng đặt mua.
- Hóa đơn GTGT: là chứng từ của đơn vị bán xác nhận số lượng, chất lượng, đơn giá và số tiền bán sản phẩm, hàng hóa cho người mua.
- Hóa đơn bán hàng: Là chứng từ của đơn vị bán xác nhận mẫu mã, số lượng, chất lượng, đơn giá và số tiền bán sản phẩm hàng hóa cho người mua. Hóa đơn bán hàng là căn cứ để người bán ghi sổ doanh thu và các sổ kế toán liên quan, là chứng từ cho người mua vận chuyển hàng đi đường, lập phiếu nhập kho, thanh toán tiền mua hàng và ghi sổ kế toán.
- Bảng thanh toán đại lý: Là chứng từ phản ánh tình hình thanh toán hàng đại lý ( ký gửi ) giữa đơn vị có hàng và đơn vị nhận bán hàng. Là chứng từ để đơn vị có hàng và đơn vị nhận đại lý ký gửi thanh toán tiền và ghi sổ kế toán.
- Bản quyết toán thanh lý hợp đồng bán hàng cung cấp dịch vụ: Là chứng từ minh chứng cho việc chấm dứt một hoạt động giao dịch thương mại.
- Thẻ quầy hàng: Là chứng từ theo dõi số lượng và giá trị hàng hóa trong quá trình nhập và bán tại quầy hàng, giúp cho người bán hàng thường xuyên nắm bắt được tình hình nhập, xuất, tồn tại quầy. Là căn cứ để kiểm tra, quản lý hàng hóa và lập bảng kê bán hàng từng ngày (kỳ).
- Các hợp đồng, khế ước tín dụng: Là các văn bản về chính sách tín dụng thương mại của công ty với khách hàng như chính sách bán hàng, phương thức bán hàng, chính sách cả…Các chứng từ, tài liệu trên đều có vai trò nhất định trong doanh thu.
- Bảng kê doanh thu theo mặt hàng, hoặc theo loại dịch vụ, theo tháng và theo từng bộ phận (nếu có)
- Bảng kê các khoản điều chỉnh như: chiết khấu thanh toán, hàng bán bị trả lại, hàng giảm giá (do hư hỏng, sai quy cách,…)
2. Các rủi ro thường gặp trong việc kiểm toán doanh thu
Doanh thu phản ánh trên sổ sách, báo cáo kế toán cao hơn doanh thu thực tế
Trường hợp này được biểu hiện cụ thể là doanh nghiệp đã hạch toán vào doanh thu những khoản thu chưa đủ các yếu tố xác định là doanh thu như quy định hoặc số doanh thu đã phản ánh trên sổ sách báo cáo kế toán cao hơn so với doanh thu trên các chứng từ kế toán. Chẳng hạn
– Người mua đã ứng trước nhưng doanh nghiệp chưa xuất hàng hoặc cung cấp dịch vụ cho người mua.
– Người mua đã ứng tiền, doanh nghiệp đã xuất hàng hoặc cung cấp dịch vụ nhưng các thủ tục mua bán, cung cấp dịch vụ nhưng chưa hoàn thành và người mua chưa chấp nhận thanh toán.
– Số liệu đã tính toán và ghi sổ sai làm tăng doanh thu so với số liệu phản ánh trên chứng từ kế toán
Doanh thu phản ánh trên sổ sách kế toán, báo cáo kế toán thấp hơn so với doanh thu thực tế
Trường hợp này được biểu hiện cụ thể là doanh nghiệp chưa hạch toán vào doanh thu hết các khoản thu đã đủ điều kiện để xác định là doanh thu như quy định hoặc số doanh thu đã phản ánh trên sổ sách, báo cáo kế toán thấp hơn so với doanh thu trên các chứng từ kế toán, chẳng han:
– Doanh nghiệp đã làm thủ tục bán hàng và cung cấp dịch vụ cho khách hàng , khách hàng đã trả tiền hoặc đã thực hiện các thủ tục chấp nhận thanh toán nhưng đơn vị chưa hạch toán hoặc đã hạch toán nhầm vào các tài khoản khác
– Các khoản thu hoạt động tài chính đã thu được nhưng đơn vị chưa hạch toán hoặc đã hạch toán nhầm vào các tài khoản khác.
– Số liệu đã tính toán và ghi sổ sai làm giảm doanh thu so với số liệu phản ánh trên chứng từ kế toán.
3. Các thủ tục đối với kiểm toán doanh thu:
Tìm hiểu hệ thống Kiểm soát nội bộ đối với khoản mục Doanh thu
– Tìm hiểu Chính sách ghi nhận doanh thu.
– Đánh giá chính sách ghi nhận có phù hợp với Chuẩn mực kế toán Doanh thu và thu nhập khác?
– Xem xét các chính sách và phương pháp kế toán cho việc ghi nhận doanh thu có phù hợp và được nhất quán hay không?
– Tìm hiểu chính sách bán chịu.
– Tìm hiểu việc phân loại các khoản phải thu.
– Xem xét các loại doanh thu có được hạch toán và phân loại hợp lý theo đúng nội dung kinh tế của các nghiệp vụ hay không: Doanh thu bán hàng nội bộ, doanh thu với các bên liên quan, doanh thu bán hàng trả góp…
Tổng hợp Doanh thu
– Thu thập hoặc lập bảng tổng hợp các khoản doanh thu, phản ánh số phát sinh kỳ này và kỳ so sánh.
– Tính và phân tích tỷ lệ lãi gộp/doanh thu.
Phương pháp kiểm tra doanh thu
– Doanh thu được kiểm tra theo hướng Understatement.
– Hướng kiểm tra: từ chứng từ lên sổ kế toán doanh thu nhằm phát hiện doanh thu bị ghi nhận thiếu.
– Không thể chọn mẫu từ sổ kế toán để kiểm tra chi tiết.
– Nếu có rủi ro chi tiết phát hiện (detection risk) thì không thể làm thủ tục phân tích chi tiết (không hiệu quả).
– Lựa chọn kiểm tra chi tiết nếu thấy có dãu hiệu rủi ro đối với khoản mục doanh thu hoặc không thể xây dựng mô hình ước tính cho thủ tục phân tích chi tiết.
Kiểm tra chi tiết
- Trường hợp 1: Một khoản doanh thu được ghi nhận tương ứng với một khoản giá vốn được ghi nhận.
Chọn mẫu từ nghiệp vụ ghi nhận giá vốn và thực hiện kiểm tra đến: Hợp đồng bán hàng, kiểm tra giá, khoản phụ thu và khoản khác trên hợp đồng, đảm bảo doanh thu được ghi nhận hợp lý và đúng kỳ.
- Trường hợp 2: Một khoản doanh thu được ghi nhận không tương ứng với một khoản giá vốn được ghi nhận.
Chọn 20-25 mẫu từ chứng từ ghi nhận doanh thu hoặc nguồn tổng hợp doanh thu độc lập với phòng kế toán (Ví dụ: bảng thống kê thực hiện hợp đồng của phòng kinh doanh).
Kiểm tra tính hợp lệ của chứng từ và đối chiếu với việc ghi nhận doanh thu trên sổ kế toán.
Kiểm tra Doanh thu được ghi nhận chính xác bằng cách Kiểm tra tính liên tục của các quyển hóa đơn, và phiếu xuất kho (của 2 tháng bất kỳ).
Kiểm tra tính đúng kỳ
– Chọn một số nghiệp vụ ghi nhận doanh thu phát sinh … ngày sau ngày khoá sổ. Đối chiếu với phiếu xuất hàng. Khẳng định doanh thu đã được ghi nhận đúng. Đánh giá kết quả kiểm tra.
Trình bày số dư với các bên liên quan
– Tổng hợp và trình bày giao dịch bán hàng với bên liên quan.
– Xem xét việc gửi thư xác nhận các khoản phải thu trọng yếu từ bên liên quan.
Học viên Nghiên cứu và Đào tạo APT
Địa chỉ: Số 9 Trương Quyền, Phường 6, Quận 3, TP HCM
Điện thoại: (028) 225 335 78
Hotline: 0965 855 969
Website: www.apt.edu.vn