Tài sản cố định và khấu hao tài sản cố định đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp. Vì vậy việc hạch toán tài sản cố định cũng như việc trích khấu hao cần phải ghi chép đúng đắn và tính toán chính xác. Hơn nữa, đối với doanh nghiệp sản xuất khoản mục tài sản cố định trên Bảng cân đối kế toán thường chiếm tỷ trọng lớn nên sai sót đối với khoản mục này có thể gây ảnh hưởng trọng yếu tới Báo cáo tài chính của Doanh nghiệp. Do đó, kiểm toán tài sản cố định cũng như khấu hao tài sản cố định đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm toán Báo cáo tài chính.
Phần hành này thường là một phần chuyên dành cho các bạn thực tập sinh (với các doanh nghiệp nhỏ) và dành cho các bạn staff 1, staff 2 (kinh nghiệm 1 – 3 năm) (với các doanh nghiệp lớn và phức tạp chuyên trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, sản xuất).
1. Trước khi tiến hành các thủ tục kiểm toán, chúng ta cần thu thập những tài liệu sau:
Sổ cái và sổ chi tiết các tài khoản liên quan tài sản cố định; Báo cáo tài chính, bảng cân đối số phát sinh;
Danh sách chi tiết tài sản cố định tăng, thanh lý, chuyển nhượng, giảm khác trong kỳ theo từng loại;
Bảng khấu hao tài sản cố định trong kỳ;
Chứng từ liên quan đến tài sản cố định trong kỳ;
Danh mục xây dựng cơ bản dơ dang;
Hồ sơ tài sản cố định: danh mục tài sản cố định phân bổ theo nhóm, biên bản kiểm kê tài sản cố định.
2. Các rủi ro và sai sót thường gặp đối với kiểm toán tài sản cố định:
Kiểm kê: Không thực hiện kiểm kê cuối kỳ
Biên bản kiểm kê và phân loại tài sản trên sổ kẽ toán không đối chiếu được với nhau
Không có danh mục, sổ, thẻ theo dõi tài sản cố định
Không theo dõi các tài sản đem đi cầm cố, thế chấp
Tài sản cố định chưa thực hiện đầy đủ việc thực hiện chuyển quyền sở hữu cho Công ty
Ghi nhận tài sản không đúng ngày trên biên bản bàn giao
Hạch toán tăng tài sản cố định khi chưa có đầy đủ hóa đơn, chứng từ
Hạch toán thiếu nguyên giá tài sản cố định: Ví dụ vốn hóa chi phí lãi vay, chi phí lắp đặt, chạy thử, chi phí sửa chữa… trước khi đưa vào sử dụng…
Phân loại, phân nhóm tài sản không chính xác
Hạch toán giảm tài sản cố định khi chưa có quyết định thanh lý
Áp dụng phương pháp khấu hao không phù hợp
Phân bổ khấu hao cho các bộ phận chưa chính xác
Với tài khoản xây dựng cơ bản dở dang: Không theo dõi chi tiết, không đủ hóa đơn, chứng từ, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng vẫn ghi trên tài khoản xây dựng cơ bản dở dang và không trích khấu hao.
3. Các thủ tục đối với kiểm toán tài sản cố định:
Bước 1: Thu thập Bảng tổng hợp tài sản cố định, đối chiếu với Bảng kê chi tiết tài sản cố định, đối chiếu với Sổ cái và Bảng cân đối kế toán
Theo từng phân mục:
- Nhà cửa, vật kiến trúc;
- Máy móc, thiết bị;
- Phương tiện vân tải, thiết bị truyền dẫn;
- Thiết bị, dụng cụ quản lý;
- Vườn cây lâu năm, súc vật làm việc;
- Các tài sản cố định là kết cấu hạ tầng, có giá trị lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho các tổ chức kinh tế quản lý, khai thác, sử dụng;
- Các tài sản cố định khác.
Bạn cần đối chiếu toàn bộ các số đầu kỳ, số phát sinh tăng, số phát sinh giảm và số cuối kỳ của từng khoản mục để đảm bảo tính thống nhất giữa các loại sổ sách chứng từ. Đây là thủ tục đơn giản nhưng khá quan trọng do nếu không cân và sai số ngay từ đầu thì bạn có làm thủ tục gì cũng không thể đảm bảo số dư của tài sản là đúng.
Bước 2: Rà soát tăng, giảm tài sản trong kỳ
Kiểm tra các chứng từ đi kèm để đảm bảo nguyên giá của tài sản cố định được ghi nhận tăng / giảm đúng trên sổ sách.
Với tăng tài sản cố định do mua mới, các chứng từ cần xem xét bao gồm:
- Hợp đồng mua bán;
- Hóa đơn;
- Biên bản bàn giao tài sản;
- Biên bản thanh lý hợp đồng;
- Các chứng từ khác liên quan đến chi phí hình thành nên tài sản bao gồm các chi phí vận chuyển, lắp đặt, chạy thử.
Với giảm tài sản cố định, các chứng từ cần xem xét bao gồm:
- Quyết định thanh lý tài sản cố định;
- Hợp đồng mua bán;
- Hóa đơn;
- Biên bản bàn giao tài sản;
- Các chứng từ liên quan khác để đảm bảo giá trị bán, lỗ lãi trong quá trình thanh lý tài sản;
Với tăng tài sản từ xây dựng và vốn hóa: Bạn vẫn cần xem các chứng từ như hợp đồng, hóa đơn nhưng cần xem thêm các chi phí nhân công và chi phí khác được vốn hóa vào trong tài sản cố định.
Thu thập các thông tin cần thiết cho việc lập Cash flow (Tiền mua sắm tài sản cố định, Lãi/Lỗ do thanh lý tài sản số định).
Xác định các tài sản không sử dụng hoặc có thể sẽ không được sử dụng trong năm tới do thay đổi công nghệ sản xuất.
Bước 3: Khấu hao
Kiểm tra và đảm bảo phương pháp khấu hao tài sản cố định được áp dụng nhất quán và phù hợp TT203.
Tính toán lại khấu hao của những tài sản cố định trong số những mẫu đã chọn để kiểm tra.
Kiểm tra phân bổ chi phí khấu hao.
Một số thủ tục phân tích cơ bản khác:
Kiểm tra giao dịch với các bên liên quan.
Lập Bảng tổng hợp với các bên liên quan: Đảm bảo giá mua/bán hợp lý, Đảm bảo hạch toán phù hợp.
Gửi Thư xác nhận với Bên liên quan (nếu cần thiết)
Đối với đầu tư xây dựng cơ bản dở dang: Lập bảng tổng hợp chi phí; thu thập kế hoạch xây dựng cơ bản, mua sắm; Kiểm tra số dư.
Tài sản cố định chiếm giá trị lớn trong các báo cáo tài chính. Vì vậy, với từng đặc điểm của doanh nghiệp mà mức độ rủi ro của phần hành này sẽ khác nhau. Điều này đòi hỏi các kiểm toán viên cần linh hoạt trong việc áp dụng các thủ tục kiểm toán để phù hợp với tính chất của doanh nghiệp đó.
4. Bài tập tham khảo
Kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán APT đang thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho năm tài chính từ ngày 01/01/2017 kết thúc ngày 31/12/2017 của công ty ABC (Đơn vị tiền tệ kế toán là USD).
Thông tin Bảng cân đối kế toán của công ty ABC của các tài khoản tài sản như sau:
Số tài khoản | Tên tài khoản | 31/12/2017 | 31/12/2016 |
---|---|---|---|
2111 | Nhà xưởng | 232.305 | 232.305 |
2112 | Máy móc thiết bị | 909.922 | 849.830 |
2113 | Phương tiện vận tải | 150.851 | 226.298 |
2114 | Thiết bị dụng cụ quản lý | 144.217 | 144.217 |
Tổng cộng Nguyên giá | 1.437.295 | 1.452.650 | |
2141 | Khấu hao lũy kế Nhà xưởng | (86.538) | (62.922) |
2142 | Khấu hao lũy kế Máy móc thiết bị | (242.954) | (169.184) |
2143 | Khấu hao lũy kế Phương tiện vận tải | (34.466) | (44.528) |
2144 | Khấu hao lũy kế Thiết bị dụng cụ quản lý | (124.311) | (93.348) |
Tổng cộng Khấu hao lũy kế | (488.269) | (369.982) |
Tình hình tài sản cố định tăng / giảm năm 2017 như sau:
- Ngày 1/2/2017, mua thiết bị sản xuất trị giá 45.187 USD sử dụng cho phân xưởng sản xuất.
- Ngày 1/3/2017, mua thiết bị sản xuất trị giá 20.993 USD sử dụng cho phân xưởng sản xuất.
- Ngày 31/3/2017, bán một xe hơi mua ngày 1/3/2014, thời gian sử dụng hữu dụng ước tính 5 năm nguyên giá 23.893 USD, khấu hao lũy kế trích đến ngày bán là 14.572 USD, giá bàn 7.727 USD.
- Ngày 1/4/2017, bán một thiết bị nâng mua ngày 1/3/2013, thời gian sử dụng hữu ích ước tính 10 năm, nguyên giá 10.000 USD, giá trị khấu hao lũy kế tính đến 31/12/2016 là 2.103 USD, giá bán 4.000 USD.
- Ngày 1/10/2017, mua thiết bị hỗ trợ sản xuất trị giá 3.912 USD theo hóa đơn của người bán nhưng trên sổ sách chỉ ghi 912 USD.
- Ngày 31/10/2017, bán một xe hơi mua ngày 1/3/2014, thời gian sử dụng hữu dụng ước tính 5 năm nguyên giá 51.554 USD, khấu hao lũy kế trích đến ngày bán là 32.220 USD, giá bàn 36.364 USD.
Yêu cầu: Thực hiện các thủ tục kiểm toán tài sản cố định và trình bày giấy làm việc, thực hiện bút toán điều chỉnh nếu có.
Tìm hiểu thông tin khóa học Kiểm toán thực hành – Nền tảng đầu tiên cho Kiểm toán viên tương lai: https://apt.edu.vn/chuong-trinh/kiem-toan-thuc-hanh/gioi-thieu-kiem-toan-thuc-hanh/
Học viên Nghiên cứu và Đào tạo APT
Địa chỉ: Số 9 Trương Quyền, Phường 6, Quận 3, TP HCM
Điện thoại: (028) 225 335 78
Hotline: 0965 855 969
Website: www.apt.edu.vn